Offenbar hast du diese Funktion zu schnell genutzt. Du wurdest vorübergehend von der Nutzung dieser Funktion blockiert.
Offenbar hast du diese Funktion zu schnell genutzt. Du wurdest vorübergehend von der Nutzung dieser Funktion blockiert.
Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột
Sự đồng thuận của UNESCO mở ra một giai đoạn mới trong phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, với điểm nhấn là hạ giải một số hạng mục công trình để tiến tới phục dựng không gian Ðiện Kính Thiên.
Hiếm có di sản nào mà những giá trị còn ẩn giấu thậm chí còn lớn hơn cả những giá trị đã biết như Hoàng thành Thăng Long. Bởi thế, nhiệm vụ vừa nghiên cứu, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị của khu di sản văn hóa thế giới này là hết sức đặc biệt.
Ðúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, năm 2010, Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Nhiều nhà khoa học ví đường Hoàng Diệu là gáy một pho sử, còn hai bên, Khu Thành cổ và Khu khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu là những trang sử vàng bằng hiện vật.
Song những trang sử đó còn ẩn giấu nhiều bí mật nằm trong lòng đất. Những kiến trúc còn lại của thành quách xưa còn quá ít ỏi: Kỳ đài, Ðoan Môn, nền Ðiện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc. Thời điểm đó, khu vực Thành cổ chỉ mới phát hiện dấu tích kiến trúc thời Trần, thời Lê qua vài hố khai quật khảo cổ nhỏ.
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giáo sư Tống Trung Tín từng chia sẻ rằng, hiếm có một di sản nào độc đáo như Hoàng thành Thăng Long, khi những giá trị chưa biết còn lớn hơn những giá trị đã biết.
Cũng chính bởi lý do này, ngay sau khi trở thành Di sản Văn hóa thế giới, thành phố Hà Nội phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Ðến hết năm 2013, các nhà khoa học đã khai quật khoảng 10.000 m2. Các vị trí khai quật được tính toán hết sức kỹ càng, bởi diện tích dù rất lớn, vẫn như "muối bỏ bể" so với tổng diện tích hàng chục héc-ta của di sản.
Ðúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, năm 2010, Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Nhiều nhà khoa học ví đường Hoàng Diệu là gáy một pho sử, còn hai bên, Khu Thành cổ và Khu khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu là những trang sử vàng bằng hiện vật.
Và những cuộc khai quật đó chính là một hành trình khẳng định giá trị. Thời Lý, nổi bật nhất là những đường nước lớn, rộng tới khoảng 2m, được thi công, gia cố kỹ càng, vẫn bền vững sau cả nghìn năm lịch sử. Kiến trúc bằng gỗ dễ bị hư hại bởi thời gian, nhưng những hố móng cột qua các thời kỳ giúp thế hệ hôm nay hình dung nơi đây đã từng tồn tại những công trình thổ mộc quy mô.
Tương tự là những phế tích kiến trúc dày đặc thời Trần, mà đáng chú ý nhất là con đường trang trí hình hoa chanh nối từ Ðoan Môn đến khu vực Ðiện Kính Thiên - trục Thần đạo, lối vua ngự giá của Hoàng thành thời Trần dần hiển lộ. Nhưng rõ nét nhất là những dấu tích kiến trúc thời Lê và Lê Trung hưng, để ta có thể hình dung ra nơi thiết triều - Ðiện Kính Thiên, sân Ðan Trì - nơi bách quan tụ họp dưới thềm rồng khi dự thiết triều.
Những hố móng cột, móng tường, gạch lát nền là cơ sở để chúng ta nhận diện quy mô không gian; những viên gạch, ngói trang trí, những cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng… là cơ sở để các nhà khoa học tái hiện kiến trúc.
Phó Giáo sư Tống Trung Tín chính là người phụ trách công trường khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long suốt cả chục năm qua. Ông cho biết: "Hành trình nghiên cứu về Ðiện Kính Thiên là hành trình đi từ không đến có. Từ chỗ chỉ có mỗi nền của Ðiện Kính Thiên, rồi Ðiện Long Thiên (thay thế Ðiện Kính Thiên dưới thời Nguyễn), đến nay, chúng ta đã đi được 60-70% tiến trình phục dựng Ðiện Kính Thiên. Mỗi lần khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long là một lần chúng ta làm rõ thêm giá trị".
Song song với phần nghiên cứu giá trị vật thể, những hoạt động, nghi lễ cung đình xưa được triển khai. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc ví các nghi lễ là hồn cốt của Hoàng thành Thăng Long và đây là yếu tố dứt khoát phải nghiên cứu, tìm tòi, phục dựng. Cái khó của phục dựng nghi lễ cung đình xưa ở Hoàng thành Thăng Long là tư liệu ít ỏi, Thăng Long không còn là kinh đô kể từ năm 1802, chưa kể chiến tranh, loạn lạc…
Nhưng với nỗ lực của các nhà khoa học, nhiều nghi lễ được phục dựng: Lễ Táo quân, Lễ Thượng nêu (dựng cây nêu), Lễ Tiến lịch, Tết Trung thu, Tết Ðoan dương… Hằng năm, những nghi lễ này thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Ðánh giá về nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, Trưởng Ðại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Johnathan Baker cho biết: "Tại đây, cơ quan di sản đã nghiên cứu để tạo sự gắn kết giữa di sản vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Tôi cảm nhận rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa di sản và việc khôi phục các nghi thức truyền thống làm di sản sống trong thời kỳ đương đại".
Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội còn tổ chức những lớp học giáo dục di sản để thế hệ trẻ hiểu hơn, gắn bó hơn với di sản thông qua các chương trình: "Em tìm hiểu di sản" và "Em làm nhà khảo cổ". Mỗi năm, không tính hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tham quan, hàng chục nghìn học sinh các cấp đã tham gia hoạt động trải nghiệm, qua đó, nuôi dưỡng tình yêu di sản trong các em.
Giai đoạn mới trong nghiên cứu, phát triển
Từ thực tiễn nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Phái đoàn của UNESCO và ICOMOS đã đến Hà Nội thăm di sản vào tháng 7/2023 để đánh giá tính khả thi của các đề xuất này.
Tại kỳ họp lần thứ 46 tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43 chấp thuận các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Những vấn đề quan trọng nhất mà UNESCO chấp thuận là: Việc nghiên cứu khảo cổ học, việc tháo dỡ những công trình không đóng góp vào giá trị phổ quát nổi bật của di sản, và đang xâm phạm Trục trung tâm (trục Thần đạo), tái thiết Ðiện Kính Thiên…
Thực tế nghiên cứu khảo cổ những năm qua, đặc biệt là các cuộc khai quật khảo cổ năm 2022, 2023 cho thấy, tòa nhà Cục Tác chiến đang nằm trên chính trục Thần đạo, sân Ðan Trì. Ngoài công trình này, còn một công trình khác là tòa nhà Bộ Chỉ huy Pháo binh cũng do người Pháp xây dựng tại chính vị trí Ðiện Long Thiên (trước đó, nhà Nguyễn xây dựng Ðiện Long Thiên tại vị trí Ðiện Kính Thiên làm hành cung).
Cuộc khai quật khảo cổ năm 2023 là đột phá có tính bước ngoặt trong nghiên cứu khi tại khu vực nền Ðiện Kính Thiên, các nhà khoa học tìm thấy địa tầng văn hóa trải dài qua hàng nghìn năm, sớm nhất là thời kỳ Ðại La, qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đến Nguyễn.
Ðáng chú ý nhất là đã tìm thấy 12 móng cột thời Lê Trung hưng với tám móng đơn có kích thước rất lớn, bề mặt 2,3m x 2,4m, bề mặt đầm sỏi, dày tới 2,1m và bốn móng kép. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học xác định bước đầu vì kèo kiến trúc Ðiện Kính Thiên thời Lê Trung hưng gồm sáu cột, trong đó lòng nhà có bốn cột, kích thước lòng nhà khoảng 6,8m, các gian kích thước khoảng 5,58m, hiên rộng khoảng 3,4m. Tuy nhiên, nhiều móng cột (theo dự đoán) hiện đang nằm dưới tòa nhà Bộ Chỉ huy Pháo binh.
Cuộc khai quật khảo cổ năm 2023 là đột phá có tính bước ngoặt trong nghiên cứu khi tại khu vực nền Ðiện Kính Thiên, các nhà khoa học tìm thấy địa tầng văn hóa trải dài qua hàng nghìn năm, sớm nhất là thời kỳ Ðại La, qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đến Nguyễn.
Mặc dù hai kiến trúc Pháp sau này từng có thời gian được Bộ Quốc phòng sử dụng, ghi dấu ấn trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng để có thể hiểu biết sâu hơn, tôn vinh những giá trị phổ quát nổi bật của di sản, nhất là việc tái thiết Ðiện Kính Thiên, chúng ta phải có giải pháp ứng xử phù hợp, trong đó UNESCO chấp thuận việc "tháo dỡ có kiểm soát".
Nhiều nhà khoa học khẳng định: Từ khi được ghi danh, những cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO đều được phía Việt Nam và Hà Nội thực hiện hết sức nghiêm túc.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là người gắn bó với văn hóa Hà Nội và từng có thời gian làm Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội chia sẻ: "Việc UNESCO chấp thuận các đề xuất của Việt Nam trong bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long cho thấy những đề xuất của Việt Nam có cơ sở khoa học và hết sức đúng đắn, vừa bảo vệ được giá trị cốt lõi và phát huy được giá trị di sản. Tôi và nhiều chuyên gia thống nhất cho rằng đây là hình mẫu bảo tồn di sản, mà các di sản khác trên thế giới có thể tham khảo. Phải khẳng định Cục Tác chiến, Bộ Chỉ huy Pháo binh là di sản cách mạng, gắn với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Tuy nhiên, những công trình như tòa nhà nằm trên những vị trí cản trở phát huy giá trị cốt lõi của di sản, trong đó có việc phục dựng Ðiện Kính Thiên. Vậy chúng ta nên ứng xử thế nào cho hợp lý? Tôi lấy thí dụ những vấn đề lịch sử diễn ra tại đây chắc chắn có thể được ghi lại, lưu trữ, phổ biến bằng nhiều cách: Công nghệ cao, tư liệu, tài liệu… Với những gì chúng ta đã triển khai, tôi tin tưởng cơ quan quản lý, các nhà khoa học sẽ có giải pháp tối ưu. Tôi nhấn mạnh là giải pháp tối ưu chứ không có giải pháp hoàn toàn hay, hoặc hoàn toàn dở".
Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì cho rằng, việc hạ giải là một lựa chọn khó khăn: "Ðể phục dựng lại Ðiện Kính Thiên và sân Ðan Trì chúng ta buộc phải đối mặt với một sự lựa chọn không dễ dàng. Việc tháo dỡ tòa nhà Cục Tác chiến để dành không gian tái dựng Ðiện Kính Thiên và sân Ðan Trì chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng phục dựng lại Ðiện Kính Thiên và sân Ðan Trì cũng là cách để hoàn thiện và bảo tồn di sản một cách toàn diện và đầy đủ nhất. Như vậy, di sản không chỉ là những công trình vật chất cũ kỹ, mà còn là lựa chọn giá trị văn hóa, lịch sử để truyền lại cho thế hệ tương lai. Hy vọng rằng qua sự lựa chọn này, chúng ta sẽ có thể bảo tồn một cách trọn vẹn những giá trị lịch sử văn hóa của Hoàng thành Thăng Long".